Nhà bạn vừa xây xong, nhưng niềm vui nhà mới chưa được bao lâu, sau một cơn mưa rào bạn thấy xuất hiện những vệt nước trên tường. Vệt nước đó ngấm loang lổ rồi làm bong tróc lớp sơn vừa mới quét.
Thật sự khó chịu, vậy làm sao ngăn chặn được nó trước khi xuất hiện cơn mưa rào tiếp theo? Tất cả trông mong vào việc thi công cẩn thận một số biện pháp chống thấm hữu hiệu.
Chống thấm mái, chữa bệnh từ gốc
Mái nhà là bộ phận trực tiếp chịu ảnh hưởng của mưa gió nhiều nhất và là nơi dễ thấm nhất. Chắc rằng bạn cũng đồng ý có bệnh phải chữa từ “gốc”, không phải chữa mãi phần “ngọn”. Ở đây, cần tìm hiểu nguyên nhân gây thấm, chính là cái gốc, căn nguyên của mọi vấn đề. Các bề mặt sân thượng, mái thường có ống máng thu nước, cần xem lại việc thoát nước của các đường ống này có được tốt, có gì cản trở trên dòng chảy thoát nước, gây ứ đọng nước không.
Để thoát nước tốt, bạn nên tạo mái có một độ dốc từ 1-3% về hướng máng nước.Các rãnh nước nằm ngang cũng phải có độ dốc về miệng ống thoát xuống. Các miệng ống thoát nước phải có lưới che chắn. Nếu ống máng vẫn thoát nước tốt bạn nên xem lại trên mặt sàn có vết nứt hoặc chỗ trũng nào đọng nước, có thể ngấm xuống trần? Nếu có, bạn phải lật các lớp gạch lát nền, lớp vữa lót cho đến khi thấy sàn bê tông.
Chú ý không bao giờ dùng xi măng gắn lại trên các mạch vỡ trên bề mặt lát gạch vì chúng sẽ mau chóng bị nứt và ngấm vẫn hoàn ngấm.
Bạn cần đục tẩy các lớp cho đến khi trơ ra lớp vữa bê tông. Trước khi chuẩn bị chống thấm, bạn cần xối nước mạnh làm sạch các vị trí nứt. Bạn dùng nước pha xi măng theo tỷ lệ 5/1 rồi khuấy đều, dội xuống vết nứt. Biện pháp này tương tự như lúc bảo dưỡng bê tông sàn mái, với mục đích cho xi măng ngấm vào các khe nứt, bịt kín lại.
Nếu bê tông bị nứt vỡ nghiêm trọng, xuống cả trần dưới cũng nhìn thấy vết nứt, bạn cần trám vá lại bằng vữa xi măng lỏng. Sau đó, bạn dùng chất chống thấm phủ lên bề mặt vết nứt, làm rộng một khoảng chừng 1m2 xung quanh. Mái bê tông có bố trí bể nước hay đổ đất trồng cây cần đặc biệt lưu ý đến lớp chống thấm.
Tuỳ theo hướng dẫn sử dụng của các loại vật liệu chống thấm khác nhau, nhưng nguyên tắc chung là chúng tạo thành một màng dày kín không cho nước thấm qua. Do đó, màng dày này cũng phải được vét lòng máng tường, càng cao càng tốt để không bị nước thấm qua khe vữa.
Nếu bạn có một bề mặt mái lớn và bằng phẳng, có thể áp dụng tấm trải chống thấm. Đây là hỗn hợp giữa bitum polyme với màng sợi gia cường có tính composit, tạo nên độ ổn định và độ bền cho sản phẩm giữa thời tiết khắc nghiệt. Khi thi công, trải tấm chống thấm lên chân tường ít nhất là 10cm để nước không bị ngấm xuống mái. Dùng đèn xì hơ nóng chảy mặt dưới tấm chống thấm đến khi nhựa ứa ra là có thể dán tấm chống thấm lên mặt sàn bê tông một cách nhanh chóng và tiện lợi.
Xử lý các vết ngấm trên tường
Có nhiều khi, vết ngấm trên tường nằm ở vị trí khá đặc biệt: độ cao từ sàn khá bằng nhau (thường là lưng chừng tường), cách quãng cũng khá đều. Lúc đó bạn nghĩ ngay đến nguyên nhân là do những lỗ hổng mà thợ dùng để bắc giàn giáo thao tác. Những lỗ hổng đó chỉ được bít gạch và trát lại vào giai đoạn cuối cùng của công trình, bằng thứ vữa thường là nhiều lượng xi măng hơn vữa trát thông thường.
Hai loại vữa có độ co ngót khác nhau, gặp khi thời tiết thay đổi, chúng tách ra tạo thành khe nứt, làm nước ngấm vào tường. Để khắc phục hiện tượng này, bạn phải đục bỏ lớp vữa trát lỗ giáo cũ rồi trộn vữa đúng tỷ lệ đã dùng để trát tường trát lại. Tốt nhất là vá một mảng rộng hơn chính vết nứt cũ để nước không còn cơ hội ngấm qua tường gạch. Sau đó cần dùng nước xi măng thật loãng để quét. Liên tục khuấy đều chồi vào nước xi măng trước khi quét. Pha thêm vào một chút sơn polime ciment hoặc sơn tường. Quét hai nước cách nhau ít nhất 4 giờ.
Quét nước xi măng chống thấm
Hiện nay, người ta thường quét xi măng lên các mặt bên và mặt sau của nhà để bảo vệ tường cho những ngôi nhà chia lô. Những ngôi nhà lừng lững như những khối đá tảng xanh xám, mốc thếch màu xi măng vừa làm mất mỹ quan vừa không có tác dụng chống thấm. Lớp quét xỉ mảng mỏng manh thường xuyên chịu tác động của thời tiết nên dễ bị nứt rạn. Nước xi măng khó đồng nhất hơn nước vôi do hạt lớn, dễ chìm xuống trong nước.
Khi quét, hạt xi măng bám dính vào tường kém hơn vôi, dòng xi măng chảy xuống mạnh rất khó quét đều, chỗ dày mỏng khác nhau. Nếu quét nước xi măng đặc, xi măng bám dính tốt hơn nhưng lại tạo thành các vệt quét rõ rệt. Một bức tường quét xi măng rất khó đều và cũng không tránh khỏi nấm mốc, khi đã mốc trông càng xấu. Lớp quét xi măng không đủ che phủ các khuyết tật của lớp vữa trát mà còn có hiện tượng tiết vôi màu trắng, nên mặt tường càng loang lổ và xấu xí.
Nấm mốc thường xuất hiện ở các gờ chỉ, chi tiết đắp vữa, thậm chí nhiều người đã hạn chế không đắp nhiều phào mà chỉ trên mặt đứng công trình vì sợ không giữ được qua một trận mưa.
Xử lý vết loang lổ của tường quét xi măng
Những ngôi nhà quét nước xi măng bị những vệt loang lổ hoặc những mảng lớn màu xám đen và trắng mốc khác nhau, nguyên nhân có thể do đã dùng hai loại xi măng khác nhau để pha vữa quét. Hoặc cũng có thể do tường được trát bằng hai mẻ vữa có lượng xi măng khác nhau (trộn hai lần) trên mảng tường trát trước và sau mối tiếp nhau.
Để tránh hiện tượng trên, bạn cần dùng nước xi măng pha thật loãng để quét ít nhất hai lần chứ không quét một nước xi măng đặc như thói quen thường thấy. Do thi công ngoài trời nắng, điều kiện khó khăn (thợ đứng trên giàn giáo hoặc bắc thang đứng hết sức chênh vênh) nên nhiều khi thợ làm qua quýt cho xong nhanh.
Bạn cần đôn đốc, nhắc nhở thợ liên tục khuấy đều chổi vào nước xi măng trước khi quét. Có thể pha thêm vào một chút sơn polyme xi măng hoặc sơn tường cho dễ quét hơn. Nên quét hai nước cách nhau ít nhất 4 giờ, để lớp thứ nhất kịp khô se sẽ dễ bám lớp thứ hai hơn.
Hiện tượng rạn nứt tường gây thấm dột
Vết rạn nứt có hai dạng kiểu chân chim hoặc mạng nhện. Đặc biệt là sau cơn mưa, những vết nứt càng lộ rõ vì ngấm nước có màu thẫm. Những vết rạn nứt này không gây hậu quả nghiêm trọng như vết nứt tường khác. Nguyên nhân là do những năm gần đây, người ta quen dùng vữa trát gồm xi măng trộn cát mà không dùng vữa hỗn hợp xi măng – cát – vôi (thường gọi là vữa ba ta) như trước.
Quá trình khô cứng của vữa ba ta chậm hơn vữa xi măng – cát nên có độ co ít hơn. Do tính chất ăn gia của vôi nên người ta loại bỏ vôi khỏi vữa. Trong khi đó, vữa xi măng cát có ưu điểm là đông cứng nhanh, cường độ cao, bám dính với nền tốt nhưng cũng mất nước nhanh. Thường thì vữa trát ngoài trời khó có điều kiện che phủ, dưỡng ẩm để làm chậm quá trình đông cứng, nên khi trời nắng nóng rất dễ bị nứt. Một trong những biện pháp hạn chế mốc tường là xây gạch trần không trát.
Để việc chống thấm được hiệu quả
Hiện nay, đã có nhiều loại sơn có tính năng chống thấm tốt. Sử dụng loại sơn này, bạn vừa làm đẹp cho các bề mặt tường bên ngoài nhà, vừa bảo vệ được hữu hiệu cho bức tường trước mùa mưa bão. Một điều lưu ý khi sử dụng tất cả các chất chống thấm là phải thực hiện càng sớm càng tốt và trực tiếp lên bề mặt bê tông.
Không sử dụng lên bề mặt các lớp hoàn thiện như gạch lát, hay vữa lót đều không ổn định. Nếu bạn sử dụng công trình cũ đã lát các lớp gạch chống nóng, gạch lá nem, gạch men, không còn cách nào khác là phải dỡ các lớp lát này lên, làm sạch bề mặt bê tông rồi mới tiến hành theo từng loại sản phẩm, có như vậy bạn mới giải quyết được triệt để hiện tượng ngấm dột, vốn là nỗi ám ảnh của rất nhiều chủ nhà khi mùa mưa tới.